Giá trị lớn nhất của quả dâu tây là tác dụng chữa bệnh mà người ta không tìm thấy trong bất kỳ loại thực phẩm nào khác. Trong quả dâu tây có chứa các chất bảo vệ, chống ôxy hóa nhiều gấp 10 lần quả cà chua.
Nhờ khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, Đà Lạt thích hợp cho rất nhiều loài cây trái, nhất là những loại trái chỉ có ở xứ sở sương mù này như dâu tây. Cây dâu tây có tên khoa học là Fragaria Vesca L., kết quả của sự lai ghép giống F. chiloensis duch và F. Virginiana duch. Người Anh gọi là “strawberry”, người Pháp gọi là “fraisier”, khi du nhập qua Việt Nam vì có nguồn gốc từ Pháp nên được gọi là dâu tây.
Khả năng cung cấp năng lượng của dâu tây không cao (100 gr dâu tây cho khoảng 34 calo) nhưng cung cấp nhiều loại sinh tố cần thiết cho cơ thể con người. Trong phần thịt của quả dâu tây có các loại sinh tố A, B1, B2 và đặc biệt là lượng sinh tố C khá cao, hơn cả cam, dưa hấu. Đây là tính ưu việt của quả dâu tây giúp tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, nhiễm độc, cảm cúm và chống stress, lão hóa (oxy hóa).
Dâu tây khi chín màu đỏ hồng. Quả dâu giàu chất dinh dưỡng, ăn mềm, chua ngọt, nhiều nước. Mật dâu tây đặc biệt thơm ngon được sử dụng hoàn toàn 100% nguyên liệu trái dâu nguyên chất. Trái dâu tây sau khi được chế biến vẫn giữ được hương vị, màu sắc của nó và các thành phần giá trị dinh dưỡng vốn có của nó.